x

Hội nghị Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí.

Ngày 23/7/2019, tại Thành phố Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí.

 

PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

 

Hơn 500 đại biểu đến từ các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, các Sở Y tế; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện công lập hạng I trở lên và một số bệnh viện tư nhân; các doanh nghiệp CNTT; một số ngân hàng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử, thanh toán trung gian; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, các hội, hiệp hội; đại diện các cơ quan truyền thông báo chí đến dự và đưa tin về Hội nghị.

 

Đây là Hội nghị nhằm quán triệt và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 14 tháng 10 năm 2015 về Chính phủ điện tử và các Thông tư 54/TT-BYT ngay 29/12/2017 ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư số 46/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2018 quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Đồng thời Hội nghị cũng quán triệt thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 1 năm 2019 của Chính phủ, trong đó có yêu cầu 100% các bệnh viện phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ và hoàn thành trước tháng 12 năm 2019.

 

Các đại biểu khẳng định với việc ra đời của Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử, Bộ Y tế đã tiên phong trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ.

 

Hội nghị lần này là hội nghị tổng thể có sự tham gia của nhiều bên liên quan để tìm ra giải pháp tối ưu, hiệu suất cao nhằm thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử theo đúng lộ trình của Thông tư số 46, đồng thời  thực hiện theo phương châm về phát triển Chính phủ điện tử là ”Nghĩ lớn, nhìn tổng thể; hành động nhanh, làm đâu chắc đấy; bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.

 

Hội nghị tập trung vào các nội dung chính sau:

 

1. Thảo luận các giải pháp và kế hoạch triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm lộ trình đặt ra, có hiệu quả cao, hướng tới bệnh viện không dùng bệnh án giấy.

 

2. Phân công để xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật của phần mềm bệnh án điện tử như: cấu trúc bệnh án điện tử theo tiêu chuẩn HL7, xác lập mã định danh y tế (ID) để triển khai bệnh án điện tử thống nhất trên toàn quốc có hiệu quả cao.

 

3. Các giải pháp ứng dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong bệnh án điện tử.

 

4. Các giải pháp kỹ thuật và giải pháp xã hội để thực hiện thanh toán viện phí điện tử (thanh toán viện phí không dùng tiền mặt) (theo Nghị quyết số 02 ngày 01/01/2019 của Chính phủ).

 

5. Sự phối hợp giữa Cục CNTT với các doanh nghiệp, với các địa phương, các chuyên gia liên quan để giúp Bộ Y tế triển khai bệnh án điện tử có hiệu quả, thiết thực trên toàn quốc.

 

Hội nghị đã nghe các báo cáo về Kế hoạch triển khai bệnh án điện tử của Bộ Y tế, Quy định xác định mã định danh y tế (ID), Xây dựng cấu trúc bệnh án điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế HL7, Đề xuất xây dựng chuẩn CNTT Y tế Việt Nam, Về bệnh án điện tử 4.0, về xây dựng cơ sở dữ liệu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hình ảnh y tế, Đề xuất xây dựng tiêu chuẩn phần mềm PACS Việt Nam, tham luận về triển khai bệnh án điện tử của các bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải phòng, đa khoa tỉnh Phú Thọ, Quận Thủ Đức, tham luận của VNPT IT, giới thiệu chuẩn mã QR Y tế, Xây dựng chuẩn kết nối giữa ngân hàng và phần mềm HIS bệnh viện, Triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt dựa trên QR code y tế.

 

 

Nội dung báo cáo tại Hội nghị đã nêu những nội dung chính của việc triển khai bệnh án điện tử, như hồ sơ bệnh án điện tử có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy, vấn đề sử dụng chữ ký số, lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, khi triển khai xong hồ sơ bệnh án điện tử thì bệnh viện có cần phải lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy không? Bệnh viện cần thực hiện những hạng mục nào để đáp ứng đủ điều kiện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử? Vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật đối với hồ sơ bệnh án điện tử; Những lợi ích mang lại từ hồ sơ bệnh án điện tử? Phương án chia sẻ hồ sơ bệnh án điện tử giữa các bệnh viện như thế nào, khi người bệnh chuyển viện?Sau khi bệnh án điện tử được ký số, thì thông tin trên bệnh án điện tử này có chỉnh sửa được không? Những ai được phép tiếp cận hồ sơ bệnh án điện tử? Người dân có được quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án điện tử của họ không? Những thuận lợi, khó khăn khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử? Phương án ngăn chặn tấn công vào hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử; Những tiêu chuẩn CNTT y tế được sử dụng trong hồ sơ bệnh án điện tử?Bệnh viện cần có phương án, chính sách gì để bảo vệ tính riêng tư về dữ liệu của người bệnh?Phương án sao lưu và phục hồi dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử? Kế hoạch để đẩy mạnh việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnhtrên toàn quốc.

 

Với mục tiêu đẩy mạnh triển khai Bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đã nêu các giải pháp chính để triển khai bệnh án điện tử. Đó là, (i) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách và các quy định về bệnh án điện tử, trong đó đặc biệt phải khẩn trương xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế (ID); xây dựng chuẩn kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin tại bệnh viện; quy định và giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế và hồ sơ bệnh án điện tử, trong đó tập trung xây dựng kết cấu chi phí CNTT trong chi phí dịch vụ y tế.

 

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Trần Quý Tường đã chỉ rõ trình tự ứng dụng CNTT khi triển khai bệnh án điện tử; triển khai chữ ký số, chữ ký điện tử. Đặc biệt, ông Trần Quý Tường đã nêu 4 giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các bệnh viện, gồm: (i) Bộ Y tế sẽ quy định chuẩn thông tin thanh toán điện tử trong Y tế; (ii) xây dựng chuẩn kết nối giữa ngân hàng và hệ thống thông tin bệnh viện – HIS; (iii) xây dựng chuẩn kết nối thanh toán giữa thẻ Napas với HIS; (iv) xây dựng và ban hành chuẩn thanh toán QR y tế.  

 

Ông Trần Quý Tường cho biết, qua thực tế thời gian qua ở các bệnh viện có hai (02) điểm nghẽn chính trong thanh toán diện tử ở các bệnh viện cần khắc phục trong thời gian tới là: Phí dịch vụ thanh toán điện tử còn cao, Bộ Y tế sẽ đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước xem xét nội dung này; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử, do đó cần đẩy mạnh truyền thông về tiện lợi của thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đến nhân dân.

 

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường sự hợp tác trong việc đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai hiệu quả bệnh án điện tử và các hệ thống phần mềm, thông tin y tế tiến tới ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, vạn vật kết nối IoT, … với mục tiêu phát triển thành công nền y tế số và hướng tới y tế thông minh,  Cục CNTT, Bộ Y tế tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Bigdata của tập đoàn Vingroup và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty CNTT của tập đoàn VNPT tại Hội nghị.

 

Cục CNTT, Bộ Y tế tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Bigdata của tập đoàn Vingroup


Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty CNTT của tập đoàn VNPT
 

Hội nghị khẳng định triển khai bệnh án điện tử rất có ích cho người dân, rất có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử. Việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa ngành Y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

 

 


 


 

Sự thành công của Hội nghị sẽ là nền tảng và động lực để các bệnh viện trong toàn quốc nhanh chóng triển khai thành công bệnh án điện tử, tiến tới không dùng bệnh án giấy và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong thời gian ngắn nhất.

 

Ban Biên tập TTTĐT Cục CNTT
 
Nguồn tin : CỤC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN - BỘ Y TẾ
 
Tin cùng chuyên mục
(028) 3873 8994
Đặt lịch hẹn với Bác sỹ
Hỏi bác sĩ
Liên hệ