x

Khuyến cáo triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cấp cứu của các bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố

Khuyến cáo này được biên soạn dựa trên những yêu cầu xuất phát từ thực tiễn đối với công tác cấp cứu người dân trên địa bàn thành phố, kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu của các bệnh viện đầu ngành, và tham khảo các nước có hệ thống y tế phát triển trên thế giới.

Hoạt động cấp cứu của các bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Ngành Y tế thành phố đã có những dấu hiệu khởi sắc, nhiều trường hợp người bệnh nguy kịch được cứu sống nhờ các kỹ thuật can thiệp chuyên sâu, nhất là nhờ sự phối hợp kịp thời và nhịp nhàng của các bệnh viện qua quy trình báo động đỏ, mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh của thành phố được mở rộng và kịp thời cấp cứu người dân tại hiện trường.

 

Để phát huy hơn nữa hiệu quả thiết thực của hoạt động cấp cứu người bệnh, Sở Y tế đã xác định hoạt động nâng cao năng lực cấp cứu ngoài bệnh viện, năng lực cấp cứu tại bệnh viện và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là một trong những hoạt động trọng tâm của Ngành Y tế trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

 

Nhằm định hướng và thống nhất các hoạt động cần thiết cho sự phát triển của hệ thống cấp cứu trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thành phố và sự mong đợi của người dân, Hội đồng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh Sở Y tế đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về cấp cứu của các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của thành phố và Hội Hồi sức Cấp cứu TP.HCM xây dựng “Khuyến cáo triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cấp cứu của các bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố”.

Dưới đây là nội dung cụ thể của khuyến cáo:

 

KHUYẾN CÁO TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CẤP CỨU CỦA CÁC BỆNH VIỆN VÀ CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

1. Không ngừng nâng cao năng lực cấp cứu ngoài bệnh viện, cấp cứu tại bệnh viện và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là một trong những hoạt động ưu tiên của Ngành Y tế, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và mong đợi của người dân. Lãnh đạo bệnh viện và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần phân bổ nguồn lực hợp lý nhằm không ngừng hoàn thiện các hoạt động liên quan đến cấp cứu trong và ngoài bệnh viện. Tùy theo quy mô, phân hạng và mô hình bệnh tật của các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các hoạt động thiết thực nhằm không ngừng nâng cao năng lực cấp cứu của đơn vị.

2. Bố trí khoa Cấp cứu ở vị trí thuận lợi cho việc vận chuyển và tiếp nhận người bệnh cấp cứu. Bổ sung và hoàn thiện các khu vực chức năng cần thiết của khoa Cấp cứu tại các bệnh viện theo đúng quy định và phù hợp điều kiện cụ thể của từng bệnh viện, bao gồm: khu vực tiếp nhận và sàng lọc người bệnh cấp cứu, khu vực điều trị, phòng cách ly, phòng lưu, phòng thủ thuật,... Phân luồng tiếp nhận người bệnh cấp cứu hợp lý theo chuyên khoa (nội, ngoại, sản, nhi) đối với các bệnh viện đa khoa. Bố trí riêng cổng tiếp nhận người bệnh cấp cứu khi cải tạo hoặc xây mới bệnh viện. Có số điện thoại của bệnh viện dành riêng cho khoa Cấp cứu tạo điều kiện thuận lợi cho công tác liên hệ trước khi chuyển bệnh theo quy định.

3. Tăng cường các hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự tại khoa Cấp cứu của các bệnh viện, bao gồm: phân công nhân viên đội bảo vệ thường trực tại khu vực khoa Cấp cứu; lắp đặt camera tại khoa Cấp cứu; ban hành quy định một thân nhân - một bệnh nhân, khuyến khích bệnh viện có khu vực lưu trú cho thân nhân người bệnh cấp cứu. Thiết lập quy trình phản ứng nhanh giữa nhân viên của khoa Cấp cứu, đội bảo vệ của bệnh viện và công an địa phương khi có trường hợp gây mất an ninh trật tự tại khoa Cấp cứu; tổ chức diễn tập quy trình phối hợp khi có sự cố về an ninh trật tự tại khoa Cấp cứu. Khuyến khích xây dựng và triển khai quy trình báo động khẩn cấp về an ninh trật tự (code grey) tại khoa Cấp cứu và các khoa lâm sàng của bệnh viện.

4. Phân bổ cơ số giường bệnh cấp cứu phù hợp với quy mô giường bệnh của bệnh viện theo quy định và phù hợp với đặc thù chuyên khoa của bệnh viện. Giường bệnh của khoa Cấp cứu và giường cấp cứu của các khoa lâm sàng khác đạt yêu cầu của giường bệnh cơ động, đảm bảo an toàn cho người bệnh khi vận chuyển và thuận tiện cho công tác vệ sinh, khử khuẩn giường bệnh. Cung cấp đầy đủ các trang thiết bị, vật tư và thuốc, đảm bảo luôn sẵn có để thực hiện các kỹ thuật điều trị cấp cứu theo danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt. Hàng năm, rà soát, cập nhật và bổ sung danh mục kỹ thuật cấp cứu đáp ứng yêu cầu theo mô hình bệnh tật của bệnh viện và của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

5. Căn cứ vào quy mô giường bệnh cấp cứu, phân bổ đủ cơ số nhân lực chuyên môn (bác sĩ, điều dưỡng) cho khoa Cấp cứu, đảm bảo tỉ lệ bác sĩ/điều dưỡng tương ứng theo phân hạng của bệnh viện. Có lộ trình bổ sung và đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa cấp cứu cho các bác sĩ, điều dưỡng cơ hữu tại khoa Cấp cứu. Có quy định và kế hoạch triển khai luân phiên có thời hạn các bác sĩ, điều dưỡng của các khoa lâm sàng khác đến công tác tại khoa Cấp cứu phù hợp với tình hình nguồn nhân lực của bệnh viện. Đảm bảo tất cả bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện được đào tạo và được cấp chứng nhận hồi sinh tim phổi cơ bản, bác sĩ và điều dưỡng công tác tại khoa Cấp cứu được đào tạo và được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ hồi sinh tim phổi nâng cao.

6. Xây dựng và triển khai quy trình tiếp nhận và sàng lọc người bệnh tại khoa cấp cứu: đảm bảo người bệnh có dấu hiệu nặng phải được xử trí kịp thời theo mức độ ưu tiên; chuyển tuyến kịp thời đến đúng bệnh viện có năng lực xử trí chuyên khoa đã được Sở Y tế phân công nếu quá khả năng của đơn vị; giải thích và hướng dẫn người bệnh không có chỉ định xử trí cấp cứu đăng ký khám bệnh theo chuyên khoa phù hợp. Triển khai hiệu quả hoạt động của phòng lưu và giường lưu trực thuộc khoa Cấp cứu, hoạt động 24/7, dành cho người bệnh chưa đủ tiêu chuẩn cấp cứu nhưng cần điều trị và theo dõi trong thời gian ngắn trước khi quyết định cho nhập viện điều trị nội trú hoặc kê đơn điều trị ngoại trú.

7. Quy định mốc thời gian tối đa cho bệnh nhân nằm điều trị và theo dõi tại giường lưu và giường cấp cứu thuộc khoa Cấp cứu của các bệnh viện, đảm bảo luôn có giường trống để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu mới. Phân quyền cho trưởng khoa Cấp cứu về việc quyết định chuyển người bệnh đến các khoa khác để được tiếp tục điều trị khi khoa Cấp cứu bị rơi vào tình trạng quá tải. Xây dựng và triển khai quy trình phối hợp nhịp nhàng giữa khoa Cấp cứu và các khoa khác trong việc chuyển và tiếp nhận người bệnh, đảm bảo tính liên tục trong điều trị và tuân thủ các quy định về hồ sơ bệnh án. Tuỳ theo mô hình bệnh tật của mỗi bệnh viện, khuyến khích bệnh viện hạng 2 trở lên đầu tư nguồn lực thành lập thêm các khoa hoặc đơn vị hồi sức tích cực theo chuyên khoa (ngoại, tim mạch, sơ sinh,…) góp phần nâng cao chất lượng điều trị chuyên khoa và giảm áp lực quá tải cho khoa Cấp cứu và khoa Hồi sức tích cực.

8. Xây dựng và triển khai hiệu quả quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện trong cấp cứu người bệnh nguy kịch. Thành lập đội cấp cứu nội viện (code blue) và hệ thống phản ứng nhanh của bệnh viện (Rapid Response System - RSS) trong hỗ trợ cấp cứu người bệnh đột ngột ngưng tim ngưng thở hoặc đột ngột diễn biến xấu tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện. Định kỳ tổ chức tập huấn, diễn tập, rút kinh nghiệm, cải tiến và cập nhật lại các quy trình cấp cứu. Xây dựng và triển khai thực hiện quy trình tiếp nhận, bàn giao người bệnh cấp cứu do Trung tâm cấp cứu 115, các trạm cấp cứu vệ tinh và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến, đảm bảo an toàn người bệnh và giải phóng nhanh tổ cấp cứu ngoại viện đi theo xe cứu thương.

9. Triển khai hoạt động kết nối giữa khoa Cấp cứu của các bệnh viện với Trung tâm Cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu vệ tinh trong phối hợp và sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, trong hỗ trợ tư vấn chuyên môn cho nhân viên cấp cứu ngoài bệnh viện đang xử trí cấp cứu tại hiện trường khi có yêu cầu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các khoa Cấp cứu như thông tin thời gian thực về số giường trống tại các khoa lâm sàng khác, hệ thống theo dõi tình trạng bệnh nhân cấp cứu,… Khuyến khích bệnh viện triển khai các ứng dụng tra cứu phác đồ điều trị, hệ thống nhắc trong chẩn đoán, kê đơn cho các bác sĩ công tác tại khoa Cấp cứu. Khuyến khích bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối triển khai ứng dụng telemedicine trong hội chẩn và tư vấn chuyên môn từ xa về xử trí các tình huống cấp cứu cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới khi có nhu cầu.

10. Xây dựng quy trình cấp cứu hàng loạt phù hợp với năng lực cấp cứu của bệnh viện. Hàng năm, bệnh viện chủ động hoặc phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc bệnh viện tuyến trên xây dựng tình huống và tổ chức diễn tập xử trí tình huống cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra trên địa bàn, phù hợp với chuyên khoa và năng lực cấp cứu của bệnh viện, rút kinh nghiệm sau diễn tập và hoàn thiện quy trình cấp cứu hàng loạt của bệnh viện (đối với bệnh viện hạng 2 trở lên). Tổ cấp cứu ngoài bệnh viện luôn sẵn sàng khi có yêu cầu hỗ trợ của Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc Sở Y tế.

11. Triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cấp cứu cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu: bệnh viện tuyến huyện hỗ trợ đào tạo cấp cứu cơ bản cho các phòng khám của trung tâm y tế và trạm y tế trong cùng địa bàn, hỗ trợ xử trí cấp cứu tại chỗ và vận chuyển người bệnh về bệnh viện điều trị; Trung tâm Cấp cứu 115 hỗ trợ đào tạo kỹ năng cấp cứu ngoài bệnh viện cho các trạm cấp cứu vệ tinh, đào tạo cấp cứu cơ bản và hợp đồng vận chuyển người bệnh cấp cứu theo yêu cầu của các phòng khám tư nhân; bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của thành phố hỗ trợ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cấp cứu theo chuyên khoa cho các bệnh viện tuyến huyện và các bệnh viên tư nhân khi có yêu cầu.

12. Hoàn thiện mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh của thành phố, khuyến khích các bệnh viện quận, huyện và các bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh 115 thuộc mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện của thành phố, khuyến khích các trạm cấp cứu vệ tinh triển khai thêm loại hình xe cấp cứu 2 bánh. Hình thành mạng lưới các bệnh viện điều trị đột quỵ và can thiệp tim mạch trên địa bàn thành phố, khuyến khích các bệnh viện tuyến cuối của thành phố, tuỳ theo chức năng nhiệm vụ và năng lực chuyên khoa của bệnh viện, đầu tư nguồn lực triển khai các khoa hoặc đơn vị đột quỵ và can thiệp tim mạch; Trung tâm Cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu vệ tinh cập nhật danh sách các bệnh viện thuộc mạng lưới điều trị đột quỵ và can thiệp tim mạch, đảm bảo cấp cứu và vận chuyển người bệnh kịp thời và đúng nơi để được can thiệp điều trị có hiệu quả.

13. Phát triển năng lực của Trung tâm Cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp hoá, từ tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu, sàng lọc, hướng dẫn người nhà của người bệnh cách tự sơ cứu tại chỗ trong khi chờ nhân viên cấp cứu ngoài bệnh viện đến hiện trường để can thiệp cấp cứu, điều phối xe cứu thương từ các trạm cấp cứu vệ tinh, đến kết nối và phối hợp từ xa với khoa Cấp cứu của các bệnh viện trong quá trình cấp cứu và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện. Xây dựng lộ trình và kế hoạch đào tạo nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 theo hướng nhân viên chuyên trách cấp cứu ngoài bệnh viện (EMS, Paramedic) với nhiều cấp độ khác nhau, đào tạo nhân viên tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu theo hướng điều phối viên chuyên nghiệp (Dispatcher).

14. Tăng cường công tác truyền thông để phổ biến và hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoài bệnh viện khi có sự cố đột ngột liên quan đến sức khoẻ. Trang tin điện tử của Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khoẻ, của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối tăng cường các bài viết, tin ảnh, video,…hướng dẫn người dân khi nào cần gọi và cách gọi số điện thoại cấp cứu, cách phòng ngừa và cách sơ cứu tại chỗ khi gặp phải các sự cố về sức khoẻ. Khuyến khích Trung tâm Cấp cứu 115 phối hợp Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khoẻ tổ chức các khoá đào tạo về hồi sinh tim phổi căn bản, cách sơ cấp cứu những tình huống hay gặp cho sinh viên, học sinh, giáo viên các trường mầm non, mẫu giáo, công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp.

15. Xây dựng các chỉ số chất lượng về hoạt động cấp cứu của các bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như: tỉ lệ nhân sự của khoa Cấp cứu, thời gian nằm viện của người bệnh tại khoa Cấp cứu, tỉ lệ chuyển viện cấp cứu,…; các chỉ số chất lượng về hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện của Trung tâm Cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu vệ tinh như: thời gian tiếp cận hiện trường, thời gian chuyển người bệnh đột quỵ, cơn đau thắt ngực đến các bệnh viện có can thiệp điều trị,… Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, tổ chức giao ban chuyên đề về hoạt động cấp cứu tại bệnh viện và cấp cứu ngoài bệnh viện; tổ chức tổng kết hàng năm chuyên đề về hoạt động cấp cứu, trong đó xác định rõ những chỉ số chất lượng và những vấn đề ưu tiên cần có giải pháp để cải tiến. 

Ban phác đồ điều trị & Ban an toàn người bệnh -

Hội đồng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh

SỞ Y TẾ TP.HCM
Tin cùng chuyên mục
(028) 3873 8994
Đặt lịch hẹn với Bác sỹ
Hỏi bác sĩ
Liên hệ